“Kỹ năng giao tiếp” trong hệ trung cấp chuyên nghiệp

“Kỹ năng giao tiếp” là vấn đề đang được quan tâm trong hệ trung cấp chuyên nghiệp

Lâu nay, việc dạy học cũng như vấn đề phát triển thể chất, tinh thần và trình độ chuyên môn ở các trường hệ trung cấp chuyên nghiệp còn nhiều bất cập, thậm chí còn thiên lệch. Nhiều học viên khi ra trường còn quá non nớt, thiếu hiểu biết xã hội và không tự làm chủ được mình trong công việc, quan hệ với xã hội. Nguyên nhân trên do môi trường đào tạo đôi lúc còn quá chú trọng vào các môn nghiệp vụ mà chưa chú trọng dạy họ cách ứng xử, tư duy lập luận.
Bởi vậy, có nhiều trường hợp khi đi xin việc hoặc tham gia các hội chợ tìm kiếm việc làm vẫn không đáp ứng được nhu cầu, mặc dù các ngành nghề đó xã hội còn rất thiếu và cần.

Theo Thông tư 66/2011 Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành quy định chương trình học phần kỹ năng giao tiếp trong chương trình đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp, tên học phần được gọi là: “Kỹ năng giao tiếp” với thời lượng 30 tiết, thực hiện vào thời điểm h ọc kỳ 3 đối với khóa học có thời gian đào tạo từ 3-4 năm học; học kỳ 1 hoặc 2 đối với khóa học có thời gian đào tạo từ 1-2 năm học.
Kỹ năng giao tiếp là học phần tự chọn thuộc khối học phần chung trong chương trình đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp với mục tiêu sau khi học xong học phần kỹ năng giao tiếp, học sinh có khả năng đạt được các mục tiêu như: Thứ nhất, về kiến thức sẽ định nghĩa được khái niệm giao tiếp; xác định được vai trò của giao tiếp, các hình thức và phương tiện giao tiếp; nêu được các nguyên tắc giao tiếp và ý nghĩa của các nguyên tắc đó trong giao tiếp. Định nghĩa được khái niệm kỹ năng giao tiếp và phân loại được các kỹ năng giao tiếp. Trình bày được một số kỹ năng giao tiếp trong cuộc sống, cách thức giải quyết các xung đột khi gặp phải và khắc phục những trở ngại trong giao tiếp. Xác định được các kỹ năng giao tiếp cơ bản trong tìm kiếm việc làm và tại nơi làm việc.
Thứ hai là về kỹ năng, thực hiện được một số kỹ năng giao tiếp: kỹ năng làm quen, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng nói trước đám đông, kỹ năng giải quyết xung đột và kỹ năng khắc phục khó khăn trong giao tiếp. Vận dụng được các kỹ năng giao tiếp trong gia đình, nhà trường, xã hội, trong tìm kiếm việc làm và tại nơi làm việc.
Thứ ba là về thái độ, người học có thái độ giao tiếp đúng mực, luôn chủ động và tích cực rèn luyện kỹ năng giao tiếp trong cuộc sống.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/2/2012.
( trích http://tuyensinh.giaoduc.edu.vn/news/hoc-cac-chuong-trinh-ngan-han-o-dau/141579/kynanggiaotieplavandedangduocquantamtronghetrungcapchuyennghiep.aspx)