Dạy cái xã hội cần

“Lý thuyết tốt nhưng thực hành kém”- đó là nhận xét của rất nhiều doanh nghiệp về chất lượng nguồn lao động của Hà Nội cũng như ở các địa phương khác trên cả nước hiện nay.
Nhiều lao động còn yếu và thiếu kỹ năng làm việc.
Thêm vào đó, lao động chưa quen với môi trường làm việc công nghiệp, bỡ ngỡ với nhiều loại máy móc và không biết sử dụng; khả năng tư duy và làm việc độc lập tốt nhưng hoạt động nhóm yếu kém. Hầu hết lao động mới tuyển dụng không biết cách liên lạc khi gặp sự cố phát sinh, không có thói quen báo cáo với cấp trên và không bàn bạc, thảo luận công việc được giao để đạt kết quả tốt nhất. Kỹ năng tổng hợp và lập báo cáo chưa tốt dẫn đến hiệu quả công việc chưa cao. Điều này đã lý giải vì sao doanh nghiệp rất cần lao động nhưng tuyển mãi vẫn không đáp ứng được đủ số lượng và chất lượng như mong muốn trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở thành phố vẫn còn trên 3,2%.
Theo lãnh đạo Sở LĐ- TB và XH Hà Nội, chất lượng và quy mô đào tạo nghề trên địa bàn thành phố chưa đáp ứng yêu cầu của thực tế. Chưa kể tâm lý của nhiều thanh niên hiện nay là thích học đại học hơn học nghề nên nhiều trường dạy nghề đã không thu hút đủ số lượng học sinh. Công tác hướng nghiệp đối với lao động học nghề cũng còn hạn chế. Phần lớn người học nghề không nắm được thị trường lao động, không biết nhu cầu của người sử dụng dẫn đến không định hướng được tương lai của mình. Việc đăng ký các nghề để học dường như vẫn theo phong trào, trong đó lĩnh vực nghề nông nghiệp như trồng trọt, thú y, thủy lợi… hầu như không có người học. Vì lẽ đó, cho dù TP Hà Nội đứng thứ 2 trên cả nước về quy mô lực lượng lao động với trên 3,2 triệu người nhưng chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu cho quá trình công nghiệp hóa Thủ đô là điều đáng phải bàn.
Dự báo nhu cầu lao động của Hà Nội đến năm 2015 gần 4 triệu người, trong đó khoảng hơn 2 triệu lao động làm dịch vụ, hơn 1 triệu lao động trong lĩnh vực công nghiệp – xây dựng và trên 800.000 lao động ở lĩnh vực nông- lâm- ngư nghiệp. Với mục tiêu lao động qua đào tạo trên địa bàn thành phố phải đạt trên 2,2 triệu người vào năm 2015 và trên 3,4 triệu người vào năm 2020, TP Hà Nội sẽ phải tạo bước đột phá về chất lượng trong đào tạo nhân lực ở các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề đạt trình độ và chất lượng tiên tiến của khu vực và quốc tế; ưu tiên đào tạo công nhân kỹ thuật cao, công nhân lành nghề; chú trọng đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn tại khu vực đô thị hóa, không còn đất sản xuất nông nghiệp.
Được biết, trong thời gian tới, bên cạnh việc đổi mới công tác quản lý, Hà Nội sẽ chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn để đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động, mục tiêu mỗi năm đào tạo 140.000 – 150.000 lao động nông thôn. Đặc biệt, từ năm 2012 sẽ đào tạo theo đơn đặt hàng, nghiệm thu theo sản phẩm đặt hàng. Hà Nội sẽ thí điểm 2 mô hình, trong đó Sở LĐ- TB và XH đào tạo 3.600 lao động. Các doanh nghiệp ký kết đào tạo sẽ đảm bảo cho 4.000 lao động. Thành phố cũng sẽ có quy hoạch mạng lưới các trường dạy nghề; tổ chức đào tạo các nghề truyền thống tại các làng nghề…
Tuy nhiên về lâu dài, để tạo được bước đột phá và thu hút học viên, thành phố cần có cơ chế, chính sách khuyến khích người đi học nghề, đặc biệt là những nghề khó tuyển sinh nhưng khu công nghiệp lại có nhu cầu cao như hàn, thoát nước, lao động thủy sản, lao động thú y… đồng thời hàng năm, thành phố cần có điều tra, nghiên cứu thị trường lao động để từ đó đào tạo.
(trích http://tuyensinh.giaoduc.edu.vn/news/hoc-cac-chuong-trinh-ngan-han-o-dau/141605/daycaixahoican.aspx)