Trắc nghiệm định hướng nghề nghiệp

TRẮC NGHIỆM ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP

Nhằm giúp học sinh tự khám phá bản thân mình trước khi ghi nguyện vọng dự thi vào trường ĐH, CĐ, Báo Người Lao Động phối hợp với thạc sĩ Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, giới thiệu bộ công cụ trắc nghiệm định hướng nghề nghiệp của John Holland. Bộ công cụ này được xây dựng trên cơ sở lý thuyết do chính ông dày công tìm hiểu.

Lý thuyết này dựa trên 8 luận điểm, trong đó 2 luận điểm đầu là: Hầu như ai cũng có thể được xếp vào 1 trong 6 kiểu người, 6 kiểu người đó là Realistic (xin tạm dịch – Người thực tế, viết tắt là R), Investigate (Nghiên cứu – I), Artistic (Nghệ sĩ tính – A), Social (người có Tính xã hội – S), Enterprising (Thiên phú lãnh đạo, điều hành –E) và Conventional (mẫu người Công chức – C); có 6 môi trường hoạt động ứng đúng với 6 kiểu người kể trên. Lý thuyết này về sau lấy 6 chữ cái ghép lại thành cái tên RIASEC. Bộ trắc nghiệm này giúp tự phát hiện các kiểu người trội nhất đang tiềm ẩn trong con người mình để tự định hướng khi lựa chọn nghề.

* Hướng dẫn thực hiện:
Bước 1: Cho điểm từng nội dung của 6 bảng, mỗi nội dung cho điểm ở 5 mức độ đúng:
1. Chưa bao giờ đúng – 0 đ
2. Đúng trong một vài trường hợp – 1 đ
3. Đúng trong khoảng một nửa trường hợp – 2 đ
4. Đúng trong đa số các trường hợp – 3đ
5. Đúng trong tất cả trường hợp – 4 đ
Bước 2: Cộng điểm của từng bảng, xác định những bảng có điểm số cao nhất.
Bước 3: Theo dõi giải thích kết quả trắc nghiệm.

* Giải thích kết quả trắc nghiệm:

Kiểu người R (Realistic): Người thuộc nhóm sở thích nghề nghiệp này thường có khả năng về kỹ thuật, công nghệ, hệ thống; ưa thích làm việc với đồ vật, máy móc, động thực vật; thích làm các công việc ngoài trời. Ngành nghề phù hợp với nhóm này bao gồm những nghề về kiến trúc, an toàn lao động, nghề mộc, xây dựng, thủy sản, kỹ thuật, máy tàu thủy, lái xe, huấn luyện viên, nông – lâm nghiệp (quản lý trang trại, nhân giống cá, lâm nghiệp…), cơ khí (chế tạo máy, bảo trì và sửa chữa thiết bị, luyện kim, cơ khí ứng dụng, tự động…), điện – điện tử, địa lý – địa chất (đo đạc, vẽ bản đồ địa chính), dầu khí, hải dương học, quản lý công nghiệp…

Kiểu người I (Investigative): Có khả năng về quan sát, khám phá, phân tích đánh giá và giải quyết các vấn đề. Ngành nghề phù hợp với nhóm này bao gồm: Các ngành thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên (toán, lý, hóa, sinh, địa lý, địa chất, thống kê…); khoa học xã hội (nhân học, tâm lý, địa lý…); y – dược (bác sĩ gây mê, hồi sức, bác sĩ phẫu thuật, nha sĩ…); khoa học công nghệ (công nghệ thông tin, môi trường, điện, vật lý kỹ thuật, xây dựng…); nông lâm (nông học, thú y…).

Kiểu người A (Artistic): Có khả năng về nghệ thuật, khả năng về trực giác, khả năng tưởng tượng cao, thích làm việc trong các môi trường mang tính ngẫu hứng, không khuôn mẫu. Ngành nghề phù hợp với nhóm này bao gồm: Các ngành về văn chương; báo chí (bình luận viên, dẫn chương trình…); điện ảnh, sân khấu, mỹ thuật, ca nhạc, múa, kiến trúc, thời trang, hội họa, giáo viên dạy sử/Anh văn, bảo tàng, bảo tồn…

Kiểu người S (Social): Có khả năng về ngôn ngữ, giảng giải, thích làm những việc như giảng giải, cung cấp thông tin, sự chăm sóc, giúp đỡ, hoặc huấn luyện cho người khác. Ngành nghề phù hợp với nhóm này bao gồm: sư phạm; giảng viên; huấn luyện viên điền kinh; tư vấn – hướng nghiệp; công tác xã hội, sức khỏe cộng đồng, thuyền trưởng, thư viện, bác sĩ chuyên khoa, thẩm định giá, nghiên cứu quy hoạch đô thị, kinh tế gia đình, tuyển dụng nhân sự, cảnh sát, xã hội học, bà đỡ, chuyên gia về X-quang, chuyên gia dinh dưỡng…

Kiểu người E (Enterprise): Có khả năng về kinh doanh, mạnh bạo, dám nghĩ dám làm, có thể gây ảnh hưởng, thuyết phục người khác, có khả năng quản lý. Ngành nghề phù hợp với nhóm này bao gồm: Các ngành về quản trị kinh doanh (quản lý khách sạn, quản trị nhân sự…), thương mại, marketing, kế toán – tài chính, luật sư, dịch vụ khách hàng, tiếp viên hàng không, thông dịch viên, pha chế rượu, kỹ sư công nghiệp (ngành kỹ thuật hệ thống công nghiệp), bác sĩ cấp cứu, quy hoạch đô thị, bếp trưởng (nấu ăn), báo chí (phóng viên, biên tập viên…)…

Kiểu người C (Conventional): Có khả năng về số học, thích thực hiện những công việc chi tiết, thích làm việc với những số liệu, theo chỉ dẫn của người khác hoặc các công việc văn phòng. Ngành nghề phù hợp với nhóm này bao gồm: Các ngành nghề về hành chính, thống kê, thanh tra ngành, người giữ trẻ, điện thoại viên…  

Lưu ý: Nếu có hai loại ngang điểm nhau, chỉ cần đọc lại phần miêu tả các loại tính cách và quyết định cái nào “giống” bạn hơn

Nguồn: Báo Người Lao Động